Thứ Ba, 25 tháng 4, 2017

Nỗi Đau Còn Đó

Tranh: ViVi Võ Hùng Kiệt

Mùa Xuân 1975, trời bỗng nhiên trở gió. Ngọn gió Bắc Nam gầm rú và cuồng xoáy. Mây chập chùng đùn lên đen kịt khắp vùng trời Tây Nguyên. Cơn bão lửa trào lên đốt cháy những Buôn Làng, Phố Thị. Lửa luồn lách qua các chiến hào, nung chảy những hàng rào kẽm gai vốn để ngăn chặn thế lực tàn ác được nuôi dưỡng bởi chủ nghĩa thù hận tràn vào vùng đất đang an vui trong tình thương yêu đồng chủng.
Cơn bão lửa tàn khốc của Quá Khứ Hãi Hùng quật một cú thật mạnh, hất tung tôi và những đồng đội bay khỏi đỉnh núi Chư Prong trên cao nguyên Trung Bộ và vất chúng tôi xuống một khe núi của dãy Hoàng Liên Sơn thuộc miền Tây Bắc Bộ.
Cố gắng giữ lại chút sinh lực, chúng tôi cố bám vào Tương Lai Tự Do ngóc dậy, bò lên. Nhưng mãi đụng vào tảng đá cộng sản khắc nghiệt. Những vết thương trong các trại tù và trên các công nông trường khổ sai luôn mưng mủ và tóe máu gây nhức nhối toàn thân suốt nhiều năm.
Mặc kệ thân xác, chúng tôi cứ trườn người tới theo bản năng sinh tồn, để có được cuộc sống tự do trên con đường Hiện Tại Lưu Vong.
Trong cuộc đời, mỗi chợt nhớ thường ngày, hay phải nhớ đúng ngày chúng tôi bị cơn bão lửa thổi bay vào miên viễn xót xa. Nỗi đau lại dấy lên . Nỗi đau của ngày 30 tháng 4 năm 1975 không thể nguôi ngoai. Mãi mãi nỗi đau còn đó.
Những đồng đội của tôi, những thân thương và những người đã chịu sự hệ lụy tàn khốc bởi cơn lửa hận thù của 42 năm về trước, xin đừng quên ngày Quốc Hận - 30 tháng 4 năm 1975 !
Thương và Đau lắm đồng bào ơi! Nhân loại ơi!

@

Những Ngày Tháng Không Quên
42 năm về trước: Ngày 23 tháng 3 năm 1975 khoảng 7 giờ chiều, chiếc chinook cấp cứu của Không Đoàn 72 Chiến Thuật bốc gia đình tôi từ một đỉnh đồi tranh bên tả ngạn sông Ba đưa về Tuy Hòa / Phú Yên. Nơi tập trung sơ khởi để các đơn vị quân nhân và gia đình kiểm điểm quân số và người thân trong cuộc triệt thoái từ Tây Nguyên về Duyên Hải, xuyên qua tỉnh lộ số 7 thuộc tỉnh Phú Bổn.
Đoạn đường từ Pleiku đến tả ngạn sông Ba không dài lắm, thế mà chúng tôi đã đi suốt một tuần lễ, bắt đầu từ sáng ngày 16 tháng 3 theo lệnh triệt thoái của Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II. Một cuộc triệt thoái không có báo trước, dù quân dân trên khắp miền Tây Nguyên đang hoang mang bởi áp lực của Cộng quân dọc biên giới, sau khi Ban Mê Thuột thất thủ.
Sáng hôm nay, ngày 23 tháng 4 năm 2017, tôi đã đến Eden Center / Virginia đứng lặng nhìn các thân hữu thuộc cộng đồng người Việt và các chiến hữu thuộc Liên Hội Cựu Chiến Binh Việt Nam Cộng Hòa trong vùng Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn và phụ cận, làm lễ kéo cờ rũ để tưởng niệm 42 năm ngày Quốc Hận: 30/4/1975 - 30/4/2017.
Bốn mươi hai năm - hơn mười nghìn đêm mất ngủ
không riêng tôi, riêng anh. Mà cả chúng ta
những người đã sống hơn nua thập kỷ
lúc chiến tranh yên nghỉ, đã mệt nhoài!
Đúng là đã mệt nhoài với cuộc sống lưu cư trên vùng đất bạn. Thế nhưng trong hơn mười ngàn ngày tỉnh thức, mỗi người Việt lưu vong luôn biết mình còn nhớ lắm quê hương, còn thương lắm những người thân đã ra đi trong nghẹn ngào uất hận vì hậu quả của cuộc chiến tang thương, còn tiếc lắm một cuộc sống thanh bình giữa núi sông và ruộng đồng yêu dấu Miền Nam.
Riêng tôi, trong từng lúc mệt nhoài tôi hỏi anh em, hỏi bạn, hỏi những thân thương liệu mình còn mấy thời gian trên hành trình chữ nghĩa viết về tình người, tình núi sông?
Bao năm qua, tôi đã viết gì về Tháng Tư và những vòng xoáy đời quanh Tháng Tư với những Ấn Tượng nhói lòng? Không nhiều, nhưng đủ chứa cả môt góc nhìn se thắt từ chính mình, từ những thân thương!
Thưở mình đi ngược gió
Quê Hương ở đằng sau!
Tưởng là ta bỏ quên ta từ độ ấy. Nhưng không, không thể nào quên những ngày tháng có thể làm mình gục ngã. Khi còn biết cảm ơn đất, cảm ơn trời, cho tôi còn đứng giữa đời hôm nay, thì còn phải biết làm gì không thẹn với lương tâm, với thân nhân trước nỗi đau dân tôc.
Còn nhớ đến tình chiến hữu, còn thương sắc áo màu cờ của một quân lực mà mình đã phục vụ vì lý tưởng bảo vệ quốc gia. Còn biết hát bài quốc ca và vui mừng ngẩng mặt nhìn lá cờ tung bay trong gió là còn biết lương tri mình gởi về đâu. Còn biết gọi hồn thiêng Tổ Quốc theo lời nguyện cầu khôi phục quê hương sau sự cưỡng chiếm và tàn phá của tập đoàn cộng sản Việt Nam và ngoại thù phương Bắc.
Những giọt lệ rưng rưng trong lòng mỗi người khi nhìn lá quốc kỳ dừng lại giữa trụ cờ, trời lất phất mưa. Phải chăng, Trời cũng động lòng thương cảm tâm trạng những con dân Việt đang sống lưu vong:
Những giọt mưa hợp triệu nguồn nước mắt
triệu đứa con nhớ Mẹ, khóc Việt Nam!
Cao Nguyên
Washington.DC - 23/4/2017

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét